Mô hình “Nông nghiệp sinh thái ruộng lúa bờ hoa” tại cánh đồng Đầm Vông, thôn Cống Đá, xã Âu Lâu.

Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố phối hợp với UBND xã Âu Lâu thực hiện mô hình “Nông nghiệp sinh thái ruộng lúa bờ hoa” Mô hình “Nông nghiệp sinh thái ruộng lúa bờ hoa” sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Yên Bái nhằm mục đích giúp người nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác. Tạo cảnh quan nông thôn, giúp người nông dân phấn khởi, thoải mái khi chăm sóc lúa. Theo đó, năm 2023, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố đã phối hợp với UBND xã Âu Lâu xây dựng thành công mô hình trình diễn “Nông nghiệp sinh thái ruộng lúa bờ hoa” tại tuyến đường cánh đồng Đầm Vông, đường vào HTX sản xuất rau an toàn thôn Cống Đá. Tuyến đường có chiều dài 1.500m, hành lang rộng 0,3 – 0,5m. Tổng diện tích trồng hoa là 500m2, phục vụ cho diện tích trồng lúa của khu vực là 3,2 ha. Thời gian thực hiện mô hình từ tháng 4 đến tháng 9/2023.

 

Để thực hiện mô hình, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố đã phối hợp với UBND xã Âu Lâu tuyên truyền, hướng dẫn triển khai mô hình đến các hộ sản xuất lúa trên cánh đồng Đầm Vông. Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa cho các hộ nông dân. Các loại hoa được chọn trồng như sao nhái, cúc vạn thọ, cúc dại, hoa ngũ sắc… Đều là các loại hoa dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ra hoa quanh năm và nhiều hoa, có màu sắc sặc sỡ, mật hoa, hương thơm có khả năng xua đuổi côn trùng gây hại và thu hút thiên địch, không che rợp lúa.

 

Hình ảnh bờ hoa rực rỡ tại cánh đồng Đầm Vông

Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, 100% viên chức của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố cùng với bà con nông dân có diện tích lúa trên cánh đồng Đầm Vông đã tích cực vệ sinh làm cỏ, trồng và chăm sóc hoa. Việc triển khai mô hình “Nông nghiệp sinh thái ruộng lúa bờ hoa” giúp tăng quần thể thiên địch, góp phần hạn chế sâu bệnh bảo vệ lúa, bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, từ đó giúp tăng cường sức đề kháng cho hệ sinh thái ruộng lúa và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời góp phần tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp trong xây dựng nông thôn mới, thân thiện với môi trường tiến tới phát triển nông nghiệp bền vững./.

Việt Hà – Thanh Nghị           
Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Powered by VNPT